Cháo vịt và gỏi vịt là 2 món khác nhau, nhưng thường được gọi chung là cháo gỏi vịt; do ở trong Nam thường được dùng chung với nhau, cũng như ở ngoài Bắc, tiết canh và cháo lòng khó có thể tách rời nhau.
Có một điểm thú vị là: trong khi ở ngoài Bắc, vào những ngày hè nắng nóng, buổi sáng nười ta thích giải nhiệt bằng một bát tiết canh mát rượi, sau đó làm thêm tô cháo nữa là “vững lòng”. Thì ở trong Nam cứ tầm 4 – 5 giờ chiều trở đi các quán cháo gỏi vịt lại đông khách. Một đĩa gỏi vịt chua chua, giòn giòn, thanh mát giúp quên đi cái nóng, cuối cùng kết thúc cũng bằng một tô cháo ngọt lừ, quyến rũ.
NGUYÊN LIỆU
- Vịt: 1 con khoảng 3 kg
- Bắp cải: 1 cây (khoảng 0,5 kg)
- Giá đỗ: 0,5 kg
- Chuối bào: 0,1 kg
- Hành tây: 1 củ to
- Rau răm: 0,1 kg
- Hành lá: 0,1 kg
- Gạo: 1 bát
- Gừng: 1 củ
- Hành tím: 3 củ
- Rau mùi: 1 nắm
- Mỡ tỏi:
- Muối, Tiêu, Đường, Nước Mắm, Ớt
CÁCH LÀM
- Sơ chế vịt, rửa sạch lại với nước, cho vào nồi luộc chín cùng với chút gia vị và 1 củ hành tím (nướng) + gừng.
Cách làm Gỏi vịt
- Vịt chín thì lọc lấy phần thịt ở ức, đùi xé nhỏ, hoặc thái mỏng.
- Bắp cải thái chỉ (dùng dao bào cho nhanh), rửa lại với nước sạch, để ráo.
- Hành tây thái mỏng, rau răm thái nhỏ.
- Pha một bát nước gỏi bao gồm: Gừng, tỏi, ớt giã nhỏ; muối, tiêu, chanh, đường ớt vừa chua – cay – mặn – ngọt.
- Cho bắp cải, rau răm, hành tây, giá, thịt vịt vào trong thau inox, đổ nước gỏi vào, trộn đều nhẹ tay.
- Rắc tiêu, hành phi, đậu phộng, mỡ tỏi lên trên. Bày ra đĩa.
Cách làm Cháo vịt
- Rang gạo lên, cho vào nấu cùng với nước luộc vịt.
- Phần xương thả vào nấu cùng cháo cho ngọt.
- Cháo chín thì nêm gia vị vừa ăn, vặn nhỏ lửa để trên bếp cho nóng.
- Khi ăn thì cho giá xuống bên dưới, múc cháo lên, rắc tiêu, hành lá thái nhỏ, ăn nóng.
* Lưu ý: Cháo gỏi vịt có nhiều cách làm khác nhau. Bí Ngô chỉ giới thiệu với các bạn cách thông dụng nhất.
Với gỏi: các bạn có thể cho thêm cà rốt thái chỉ cho món gỏi có màu sắc sinh động hơn. Và cho thêm lá chanh thái chỉ cho thơm.
Với cháo: rang gạo rồi mới nấu, ăn cháo loãng, hạt gạo rời là là một đặc trưng của văn hóa ẩm thực miền Nam. Các bạn ngoài bắc thường thích cháo có hồ, đặc hơn thì không cần rang gạo, nấu trực tiếp luôn.
Các bạn cũng có thể lọc thịt vịt đem hấp để làm gỏi, phần xương thì chặt nhỏ, xào kĩ với hành tím rồi mới nấu, thì cháo và thịt sẽ đậm đà hơn.
Bạn nào không thích thịt thì có thể làm gỏi lòng (vịt), gỏi xương (đầu – cổ - cánh)… sở thích ẩm thích vốn phong phú mà.
EmoticonEmoticon