Thay vì vào một quán ăn đồng quê nào đó, tôi bàn thôi thì về quê luôn vậy. Bọn tôi có thằng bạn ở một xã cù lao thuộc tỉnh Vĩnh Long, chuyến viếng thăm bất ngờ làm nó mừng rơi nước mắt.
Không biết bà chủ nhà hiếu khách đã phù phép đâu ra làm nồi lẩu mắm có đủ đầy cá, tôm, lươn, ếch. Bình rượu Xuân Thạnh nổi tiếng của cái làng nghề Thạnh Xuân ở Trà Vinh tuy không rình rang cả nước như rượu làng Vân, nhưng cũng xứng đáng liệt vào hàng “danh tửu”.
Anh bạn Việt kiều vừa ăn vừa xuýt xoa khen.
Nghĩ cho cùng, thì ở cái chỗ dư tiền dư bạc, dư tiện nghi vật chất, rồi cũng phải thiếu. Cái thiếu này có lẽ chỉ quê hương mới bù đắp được.
Mải ăn, mải uống, mải chuyện trò mà trăng mười sáu đã lên cao như cái dĩa vàng trên nền trời xanh thăm thẳm. Không ai bảo ai, cả bọn tôi đều ngẩn ngơ nhìn. Trời ạ! Sống ở thị thành bon chen tất bật, dễ gì nhìn thấy mặt trăng, còn anh bạn Việt kiều thì như kẻ mất hồn cứ giương mắt ngắm. Gió mát, trăng thanh, cùng đối ẩm với tri âm tri kỷ và một bữa ăn thấm đượm tình quê khiến anh bạn Việt kiều chạnh lòng ứng khẩu:
Về quê ăn lẩu mắm đồng
Xa quê nhớ món rau đồng quắt quay.
Hai câu thơ tuy chưa hay lắm, nhưng cái tình quê thì đáng cảm thông. Bà chủ nhà hiếu khách lại đem lên một dĩa cá nướng thơm lừng với chén nước mắm tỏi ớt tuyệt chiêu. Tôi sống ở thị thành, cái ăn bây giờ không thiếu. Nhưng được ngồi trong một khung cảnh nên thơ thoải mái như vầy thì ngon lại càng ngon.
Sáng hôm sau, chủ khách bùi ngùi tiễn biệt. Con đò ngang đưa chúng tôi về lại đất liền. Sóng sông Tiền lớp lớp xô nhau. Anh bạn tôi bồi hồi tâm sự: “Tôi sẽ dành dụm một số vốn dưỡng già, để mai đây về lại Việt Nam, “quê hương là bóng mẹ già chở che”... mà!
Ngô Nguyên
>> Ví dầu cá bống kho tiêu
EmoticonEmoticon