Từ Hy Thái hậu nổi tiếng là một vị Thái hậu sang trọng, quý phái trong lịch sử Trung Quốc, tuy nhiên nữ họa sĩ người Mỹ tên là Carr – người đã từng tự tay vẽ tranh cho Thái hậu miêu tả: "Sự tôn nghiêm của bà chỉ đứng sau trời. Thân phận bề tôi như chó ngựa, cố gắng hết sức cung phụng, chỉ sợ không được lòng chủ nhân. Còn Thái hậu có thân phận thiên tử, phúc hữu thiên hạ, có cống vài trăm ngàn vạn lạng vàng không thể làm cho thiên tử quý trọng".
Trong lịch sử Trung Quốc, có không ít những câu chuyện truyền kỳ về cuộc sống trong cung của Thái hậu, từ đồ ăn, thức uống đến đi lại đều được nhắc đến với vô vàn những bí mật.
Từ Hy Thái hậu là vị Thái hậu nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc (29/11/1835 – 15/11/1908) là người nắm quyền lực thực tế của triều đình nhà Thanh trong vòng 47 năm, từ 1861 tới tận khi qua đời năm 1908.
Dưới triều nhà Thanh, mọi bữa ăn của Hoàng tộc đều do các phòng thuộc phủ Nội vụ đảm nhận bao gồm: phòng bếp, phòng trà, phòng bánh, phòng rượu, kho thực phẩm và rất nhiều các gian phòng khác. Trong đó, bếp với hơn 370 người hầu cùng hàng chục thái giám là quan trọng nhất.
Việc ăn uống trong cung cũng được quy định hết sức nghiêm ngặt: mỗi bữa ăn của Thái hậu trong 1 ngày bao gồm: thịt thái lát 11 kg, mỡ lợn 2 kg, dê 2 con, gà 5 con, vịt 3 con, rau xanh các loại 8,5 kg, củ cải 3 kg, su hào, rau muối 5 loại, hành 3 kg. Nguyên liệu gồm có rượu Ngọc Tuyền, tương Thanh Tương Cách 1,5 kg, dấm 1 kg; 8 đĩa với hơn 240 loại bánh sử dụng 16 kg bột mỳ, tinh dầu thơm 4 kg, đường trắng làm từ quả óc chó và hắc táo cách 4 kg, mè... và các nguyên liệu quý hiếm khác.
Hoàng hậu, Hoàng Quý phi, các Phi tần, Hoàng tử tùy vào chức vị mà giảm dần số lượng. Trừ những dịp đặc biệt, còn lại mỗi khẩu phần đều được quy định rõ ràng, không được tự ý thêm bớt. Bữa sáng bắt đầu từ 6 giờ và kéo dài đến 7 giờ, bữa trưa bắt đầu từ 12 giờ trưa đến 2 giờ chiều, 6 giờ tối là bữa tối. Vào những khoảng thời gian khác có thể tùy vào yêu cầu để phục vụ.
Bữa ăn của Hoàng tộc được phòng bếp lên thực đơn trước, giao cho Phủ Nội vụ phê duyệt, sau đó phòng bếp mới được bắt tay vào chuẩn bị. Từ Hy Thái hậu sẽ dùng bữa một mình, thức ăn được bày trên bàn hoặc đặt trong các hộp ngọc sau đó được thị vệ chuyển đến nơi bà dùng bữa.
Sau khi thức ăn được bày ra, các thái giám sẽ dùng trâm bạc kiểm tra xem thức ăn có chứa độc không và trực tiếp nếm thử, sau đó Hoàng đế mới tiến hành dùng bữa. Trong khi dùng bữa, Từ Hy Thái hậu ngồi ở phía Bắc và quay mặt về phía Nam. Trước mặt bày một chiếc bàn vuông, trên dưới hai tầng bày đầy cao lương mỹ vị, thái giám giới thiệu tên từng món ăn và chỉ gắp vào bát những món vừa ý của Thái hậu.
Từ Hy Thái hậu dùng bữa như những vị Hoàng đế khác. Gian bếp chuẩn bị món ăn cho bà tập trung những đầu bếp giỏi nhất Trung Hoa, nguyên liệu được đưa từ khắp các nơi tuyển chọn về để làm ra những món ăn ngon nhất.
Dưới thời Từ Hy Thái hậu, gian bếp chuẩn bị đồ ăn cho bà có vô vàn những món ăn và các món điểm tâm. Mỗi ngày 2 bữa ăn chính, theo quy định mỗi bữa ăn phải bao gồm 100 món khác nhau, ngoài ra còn 2 bữa ăn nhẹ với 40 đến 50 món, ít nhất phải bao gồm 20 đĩa thức ăn.
Tương truyền mỗi lần Thái hậu sử dụng tàu hỏa, sẽ có 4 toa được dành cho phòng bếp, 1 toa chứa 50 cái bếp lò, mỗi bếp phụ trách nấu 2 món ăn, đầu bếp đi theo lên đến 100 người không kể phục vụ. Mỗi bữa ăn có 100 món chính, 100 loại hoa quả và bánh ngọt các loại.
Thái Hậu thường dùng bữa một mình, cũng có lúc hầu nữ thân cận Dụ Đức Linh được giữ lại để cùng dùng bữa với Thái hậu nhưng chỉ được phép đứng ăn. Tuy nhiều thức ăn như vậy nhưng Thái hậu chỉ ăn những món ăn ở gần mình, những thứ khác ăn rất ít, thậm chí không động đũa. Với những món ăn Thái Hậu ưa thích nhưng ở quá xa sẽ có thái giám đến để dâng lại gần, mỗi bữa Thái hậu chỉ ăn từ 3 đến 4 món, những thứ còn lại sẽ được dọn đi sau khi dùng bữa. Còn những đồ ăn dư thừa hoặc đổ đi hoặc đem thưởng cho cung nữ, thái giám, phần lớn đồ ăn đó vẫn còn nguyên vẹn như lúc dâng lên.
Dụ Đức Linh trong "Thanh cung nhị niên ký" viết lại: "Từ Hy am hiểu ẩm thực, sự hiểu biết của bà về ẩm thực đều khiến cho những bậc chuyên gia phải kinh ngạc. Thái Hậu thích ăn vịt hầm, tức là vịt sau khi được rửa sạch, tẩm ướp gia vị, cho vào lọ kín, thêm nước và hầm trong 3 ngày cho đến khi cả thịt và xương mềm, sau đó Thái Hậu chỉ ăn phần da vịt. Thái Hậu cũng thích món vịt quay, lợn sữa quay, gà đen, chân cừu non. Thái Hậu từng nói, khi còn trẻ bà thích ăn nhất bì lợn quay giòn. Khi tuổi đã cao, các món ăn chế biến từ anh đào trở thành niềm yêu thích của vị Thái hậu này".
Vào những ngày lễ như tết Trùng Dương (một ngày lễ của người cao tuổi ở Trung Quốc), phòng bếp chuẩn bị thêm hoa cúc, táo, cháo bát bảo cùng rất nhiều các loại điểm tâm khác dâng lên Thái hậu. Tương truyền vào ngày này, Thái hậu thường đến Di Hòa viên ngắm mây và đến Bài Vân Điện thưởng thức món bánh nướng thịt mà bà yêu thích. Với món ăn này, đầu bếp phải dùng gỗ của cây tùng để nướng.
Những món ăn vặt được Thái hậu yêu thích có "tiểu oa đầu” (một món ăn của Trung Quốc làm từ bột ngô), đậu phụ thối. Trong đó, đậu phụ thối phải là đậu phụ thối Ngọc Trí Hòa được mang về từ "Ngọc Trí Hòa Nam Tương Viên" (một địa danh của Trung Quốc) ngay trong ngày.
Hiện nay, ở Trung Quốc còn lưu truyền lại thực đơn trong ngày mừng thọ Thái hậu với các món gồm: 2 loại lẩu, thịt lợn thái sợi xào rau chân vịt, rau muối đồng quê, hơn 20 món ăn chế biến từ tổ yến, hơn 30 món ăn làm từ thịt vịt... cùng vô vàn những món ăn cầu kỳ và quý hiếm khác.
Về đồ uống, Từ Hy Thái hậu thích các loại trà hoa. Bà đặc biệt thích uống trà và đặc biệt kỹ tính trong việc thưởng trà. Nước dùng đề pha trà phải được lấy về trong ngày từ núi Ngọc Tuyền, các loại hoa dùng để ướp trà như hoa hồng, hoa nhài phải là hoa tươi vừa được hái sau đó được trộn với trà khô, khi pha vừa có hương thơm của hoa quyện trong hương trà. Thái hậu dùng ly bạch ngọc uống trà, trên khay vàng đặt 3 chiếc ly bạch ngọc, ở giữa là trà, hai bên đặt hoa, 2 thái giám dâng khay trà lên bẩm rằng: "Lão phật gia trà đã được rồi!". Sau khi thái giám bẩm vậy, Từ Hy mới bắt đầu thưởng trà.
EmoticonEmoticon